Bối cảnh ra đời Giang_Bắc_tứ_trấn

Năm 1644, giữa các triều thần nhà Minh dời về phía nam đã nổ ra cuộc tranh luận xem vị phiên vương nào là người thích hợp kế thừa đế vị. Đảng Đông Lâm bị chia rẽ: Sử Khả Pháp ủng lập Quế vương Chu Thường Doanh, bọn Tiền Khiêm Ích ủng lập Lộ vương Chu Thường Điến; nhưng Phúc vương Chu Do Tung – con trai của Chu Thường Tuân, người từng tranh ngôi Thái tử với Minh Quang Tông Chu Thường Lạc – được Phượng Dương tổng đốc Mã Sĩ Anh ủng lập đã giành được thắng lợi, trở thành Hoằng Quang đế của chính quyền Nam Minh. Dưới tay Mã có 3 viên đại tướng: Cao Kiệt, Hoàng Đắc Công, Lưu Lương Tá, lại thêm Lưu Trạch Thanh – đều là những tướng lãnh bỏ miền bắc chạy xuống miền nam, nương nhờ ở Phượng Tường – nắm giữ phần lớn quân đội Nam Minh, khiến cho đảng Đông Lâm đành chịu thất bại.

Nhờ công phù lập, Hoàng Đắc Công được tiến phong làm Tĩnh Nam hầu (vốn là bá tước), Cao Kiệt được phong Hưng Bình bá, Lưu Trạch Thanh được phong Đông Bình bá, Lưu Lương Tá được phong Quảng Xương bá. Không rõ ai đã kiến nghị ban tước cho họ [1], nhưng thành lập Tứ trấn là sách lược của Sử Khả Pháp: …"Thần cho rằng cần nắm lấy địa lợi, gấp đặt 4 phiên. 4 phiên là: một ở Hoài, Từ, một ở Dương, Trừ, một ở Phượng, Tứ, một ở Lư, Lục. Lấy Hoài, Dương, Tứ, Lư để phòng thủ, lại lấy Từ, Trừ, Phượng, Lục làm căn bản để tiến đánh. Phàm các món binh mã tiền lương thuộc về họ, đều cho phép được tự ý sử dụng"… "4 phiên nên dùng Tĩnh Nam bá Hoàng Đắc Công, tổng trấn Cao Kiệt, Lưu Trạch Thanh, Lưu Lương Tá, ban nhiều ưu đãi, (để họ) làm bình phong cho ta, nghe theo mệnh lệnh của đốc thần, giữ lấy địa phương được giao phó, cùng nhau cố thủ"… [2]